(Hien Pham Phu)
Nếu tui viết về cách kiếm tiền, xin bạn đừng bao giờ lắng nghe tui, vì tui chưa bao giờ giỏi kiếm tiền. Tui là người thực tế nên tui hiểu là người đọc cần lắng nghe người có sự thành công thực tế, nếu được uống cà phê với tỷ phú Vượng tui sẽ hỏi kinh nghiệm kiếm tiền, chứ gặp tỷ phú mà hỏi về cách ăn nào tốt cho sức khỏe thì…
Tui từng là người có cơ thể banh chành…
Tui từng là người có cơ thể banh chành. Tức là hệ tiêu hóa banh chành, hệ xương khớp sụp đổ, tất cả nội quan suy kiệt và hư hại nghiêm trọng, bị các chứng bệnh về tâm thần. Giờ sau 5 năm về vườn, dần dần tui hồi phục được, khỏe lên, đẹp ra, trẻ lại. Thế nên có thể nói tui biết nhiều hơn ông tỷ phú Vượng một chút xíu về vấn đề ăn uống như thế nào tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra tui có một số nét đặc biệt bẩm sinh là cực kỳ nhạy cảm với thực phẩm, nhạy cảm với thời tiết, nhạy cảm với các nguồn năng lượng và nhạy cảm với các cảm xúc. Có thể một người có một hay vài trong số các nhạy cảm trên, nhưng tui thì có đủ hết, nên hiếm. Gia đình tui cũng là nhà làm ngành dược và rất tin khoa học kỹ thuật, nên vô tình tui được tiếp xúc rất nhiều các loại thuốc và cũng đã trải qua vô số lần vào bệnh viện vì những lý do khác nhau. Tui cũng từng chán ngán Tây y tới mức đi tìm đủ các loại phương pháp chữa truyền thống và không truyền thống như Đông y, bấm huyệt, châm cứu, diện chẩn, vật lý trị liệu etc… tất cả những phương pháp mà bạn có thể nghĩ tới. Tui cũng đã từng thử nhiều chế độ ăn uống khác nhau từ nhiều đạm rau ít tinh bột cho tới thực dưỡng nhịn ăn…
Tới lúc tui về vườn, tui cố ăn thiệt tốt thiệt xịn, nên những gì không xịn nó lòi ra, tui dễ dàng nhận thấy hết. Nên cuối cùng thông qua trải nghiệm thực tế tui có những hiểu biết về ăn uống và lối sống mà nhiều chuyên gia chả biết được đâu. Tin vào kinh nghiệm của tui, nghĩa là bạn là người sống thực tế. Có khi, ở một số mặt, tin tui còn tốt hơn là tin bác sĩ.
Xin nhắc rằng, nếu bạn muốn tin theo lời một ai nói, đừng lập tức tin vì họ có nhiều người theo dõi trên mạng, có bằng cấp chuyên môn, lớn tuổi hay gia truyền. Hãy chỉ nên coi những thứ đó như những dữ kiện để tăng thêm độ tin cậy thôi. Ngay cả khi phương pháp của họ áp dụng cho bạn thành công, thì cũng chỉ có nghĩa là phương pháp đó hợp với bạn thôi, chứ không phải tất cả những gì họ nói đều đúng. Hãy biết nghi ngờ, hãy chứng thực bằng chính suy luận và cảm quan của mình.
Ngay cả tui nói cũng vậy. Có rất nhiều thứ tui không biết, không chắc. Hiện tui cũng đang thử nghiệm đúng sai và hoàn chỉnh hiểu biết của mình mỗi ngày.
CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO
Ngẫm thử coi, ông Phật ổng khôn vl. Mỗi ngày ăn có 1 bữa trước giờ trưa. Nhịn ăn cả buổi chiều buổi tối và sáng. Thế nên đói, thèm ăn. Tới lúc ăn, thì được ăn món ngon nhất mà người dân vùng đó dâng tặng. Được đi các nơi ngắm cảnh, được nói cho mọi người nghe và thán phục. Đúng là sống sướng vl. Sướng vậy mà không đẹp, không khỏe cũng lạ. Ông Phật theo con đường trung đạo, và chuyện ăn ở của ổng cũng theo con đường trung đạo. Thực chất sau nhiều năm về vườn, tui nhận ra con đường trung đạo cũng là con đường thuận tự nhiên.
Trung đạo có nhiều nghĩa, nhưng theo cách hiểu của tui thì không quá lậm vào bất cứ sự cố gắng nào. Nếu ăn không ngon thì đếch ăn. Nếu đói quá thì đếch nhịn. Nếu mồm miệng đau thì đếch ráng ăn. Đồ ăn dở lạt toẹt thì trừ khi đói sắp xỉu chứ không đói thì cũng đếch ăn. Đó chính là con đường trung đạo trong ăn uống.
Nói vậy nghĩa là những phương pháp nhịn ăn nhiều ngày không phải là con đường trung đạo, nó là phương pháp khổ hạnh. Tui không theo. Ăn chay cũng vậy, nếu đồ ăn mặn mà ngon bày ra trước mắt thì tui đếch nhịn được.
Tui cũng không thích những thứ kiến thức chuyên sâu. Kiến thức thực tế nhất là kiến thức mà nói ra là con bò cũng phải hiểu. Chứ nào là phải dùng tới chục năm học bác sĩ, hay phải lý giải món ăn này âm hay dương đồ, thì là những hiểu biết không thuộc về trung đạo. Chuyện đạo đời cũng vậy, chỉ cần bạn chịu khó đọc bài dài của tui, nhưng rõ ràng là những gì tui từng viết, thường người ít học cũng dễ dàng hiểu được. Triết lý của tui về chuyện ăn uống thuận tự nhiên cũng vậy. Cực kỳ đơn giản vì căn bản là đầu óc tui xưa giờ cũng thuộc loại chậm tiêu trước những thứ kiến thức chuyên sâu phức tạp.
Nếu muốn nói hết những quan điểm của tui về chuyện ăn thuận tự nhiên, chắc phải viết đủ một cuốn sách nhỏ. Một bài viết nhỏ làm sao nói hết được, nên tui chỉ nói đại khái thôi.
Sau đây là tóm tắt sơ lược vài chương của quyển sách mà chắc không bao giờ tui viết ra:
Chương 1: Ăn uống theo tuần hoàn của trời đất.
Ăn uống theo tuần hoàn của trời đất: ăn theo chu kỳ mặt trời là một (theo mùa), theo ngày trong tuần trăng là hai (theo trăng), theo giờ trong ngày là ba (theo âm dương).
Thuở xưa, con người không có điều kiện để ăn đồ trái mùa, cũng không có tủ lạnh để ăn uống trái trăng và cũng không có điện đóm để ăn trái giờ trong ngày. Con người đã ăn vậy cả chục ngàn năm thành thói quen thuận theo trời đất rồi, giờ bỗng nhiên ăn khác đi trong vòng chỉ mấy chục năm. Thế thì không bệnh cũng lạ.
Ăn theo chu kỳ mặt trời nói tóm đơn giản là mùa nào ăn thức đó. Cây cối mọc được, ra hoa kết trái đúng mùa nào, là hợp để ăn cho mùa đó nhất. Chẳng hạn như khi mùa khô hạn vừa hết, mưa xuống cây cối đâm chồi nảy lộc, hạt giống nảy mầm. Thì lúc đó rau cỏ ăn phù hợp nhất. Những món trái cây ngọt béo nhiều, thường xuất hiện vào mùa hè nóng nực vì vị ngọt ăn lúc nóng nực sẽ giúp ích cho não. Khi những cơn mưa chấm dứt, mùa khô bắt đầu, thì các cây đậu mọc lên mà không sợ bị thối rễ, các cây có củ cũng đã sẵn sàng để thu hoạch, chúng có tính ấm hợp với mùa khô lạnh.

Vậy mà ngày nay người ta ăn ôi thôi đủ thứ vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Giữa trời giá rét Hà Nội quất ly nước dừa vô bụng, ăn thêm miếng sầu riêng trái mùa… uh… nói tới không đã thấy lạnh run cả người…
Ăn theo chu kỳ mặt trăng: trăng tròn sáng, các loài vật ăn cây cỏ chạy ra kiếm ăn. Các loài ăn thịt cũng ùa ra săn chúng. Con người cũng ùa ra săn cả 2. Thế nên trăng sáng người ta có thể ăn mặn nhiều hơn, ra đường nhảy múa quậy phá nhiều hơn. Còn hết trăng, đêm 30 tối thui, tốt nhất trốn trong nhà đi ngủ.
Vậy mà ngày nay, điện đóm ầm ầm, đêm 30 người ta đi bar đi club. Ăn thịt nướng ầm ầm. Biểu sao không phát điên lên mà đập chai bia vào đầu nhau.
Còn ăn theo giờ trong ngày thì liên quan đến bát vị, nói trong chương sau. Vụ này tui học được từ bên Huỳnh Lương Garden.
Chương 2: Mật độ năng lượng và mật độ dinh dưỡng/sinh khí trong thức ăn.
Trong tự nhiên thì tất cả đều cân bằng theo cách nào đó. Nếu không cân bằng thì sâu bọ diệt nó. Nhưng vì con người phát minh ra nhiều thứ như phân hóa học, phương pháp tưới, thuốc trừ sâu diệt nấm, nhà màng v.v… nên rốt cục tỷ lệ năng lượng/dinh dưỡng-sinh lực trong thức ăn mất cân bằng nháo nhào lên. Bạn trồng cây bạn sẽ hiểu rất rõ vấn đề này.

Ông Fukuoka có thể nhìn vào đất mà nhận biết được vùng này con người sắp suy tàn hay phát triển. Tui cũng dần có hiểu biết hơn trong việc này. Sau một thời gian hiểu thiên nhiên, tui nhận ra rằng chúng ta đang phá banh xác đất đai vì một chữ “năng suất”. Nhưng “năng suất” trong nông nghiệp sẽ dẫn đến “thiệt hại” về nhiều mặt như chi phí y tế, khả năng lao động của con người. Thức ăn ngày nay, năng lượng thì quá cao, mà dinh dưỡng/sinh lực thì gần như không có. Phá rừng bằng phương tiện hiện đại để bến đất sống thành đất chết chỉ cần vài năm. Nhưng hồi phục đất chết thành đất sống thì mất rất nhiều năm, không chỉ bằng nỗ lực mà còn phải bằng tình yêu thương và thông cảm với đất. Đất chết không thể nuôi được thức ăn chứa nhiều sự sống. Thế nên bạn càng cố vắt kiệt đất chết ra để tạo ra được sản phẩm cho loài người, thì bạn càng chỉ gây ra nhiều hơn những thiệt hại về sức khỏe và kinh tế cho toàn xã hội vì những sản phẩm của bạn không có sự sống. Bạn cần làm sống đất đã, mà để làm thế bạn cần dẹp cái tôi của mình đi.
Nhiều bạn về vườn, nhưng lòng vẫn canh cánh lý tưởng sản xuất ra sản phẩm lành sạch cho xã hội. Thực tế tui thấy, xã hội chỉ có thể nhận được điều tốt đẹp từ bạn khi bạn bắt đầu biết lơ đi những lý tưởng phục vụ xã hội – để quay sang thấu hiểu và yêu thương đất đai cây cỏ trước đã.
Chương 3: Hệ tiêu hóa lời và lỗ.
Việc tiêu hóa thức ăn là một trò chơi đầu tư. Hệ tiêu hóa của bạn đầu tư ra 10 đồng sinh lực, để lấy về 15 hay 20. Bạn phải hiểu về nó để giúp nó lấy được nhiều nhất có thể từ thức ăn. Thứ nhất là thức ăn phải tự nhiên và đầy đủ dinh dưỡng/sức sống thì mới có cái để lấy. Thứ hai là cách ăn phải hợp lý để bạn không gây ra khó khăn cho hệ tiêu hóa khi nó đang kiếm lời. Trong thời đại ngày nay, rất dễ để bạn khiến cho chuyện ăn của bạn thành một khoản đầu tư sinh lỗ. Mà đã lỗ rồi, thì bạn chỉ có thể ngày càng suy sụp: bệnh tật, già xấu, đau đớn chết chóc.
Nhưng chơi với hệ tiêu hóa cũng khá dễ mắc sai lầm nếu bạn không biết lắng nghe thấu hiểu cơ thể mình. Nếu hệ tiêu hóa bạn khỏe từ nhỏ, thì bạn ăn gì cũng lời. Nhưng một khi nó đã hư hại rồi, mỗi bữa ăn bạn như đi thăng bằng trên dây. Ăn thức ăn với mật độ năng lượng/dinh dưỡng cao (thịt cá trứng) thì lời cho cơ thể nhưng hại hệ tiêu hóa. Còn ăn thức ăn mật độ dinh dưỡng/năng lượng thấp (rau củ quả) thì tốt cho hệ tiêu hóa nhưng lại ít lời. Ít lời mà bạn còn đi thêm vài bước sai nữa thì có khi thành lỗ. Có món rau cần nấu chín nhừ xíu, có món cần ăn tươi, nếu món nên ăn tươi bạn nấu chín như thì mất dinh dưỡng, còn món nên chín nhừ bạn đi ăn tươi thì hại hệ tiêu hóa. Thật ra nó không hề phức tạp như học bác sĩ đâu, bạn chỉ cần về vườn và hiểu vài nguyên tắc tự nhiên đơn giản thôi. Về vườn và hiểu về đất, tự bạn sẽ tìm được ra đường hiểu cơ thể mình. Khi đó bạn mời tui tới, tui nói vài câu bạn tự nhận ra ngay. Chứ giờ tui đi vô chi tiết cũng như không hà.
Chương 4: Bát vị trong thức ăn.
Thức ăn có nhiều vị khác nhau: chua, cay, mặn, đắng, ngọt, chát, béo và lạt. Chúng cần ăn đúng vị vào đúng lúc trong ngày. Chẳng hạn như ăn chua vào buổi tối sẽ gây ra đầy hơi và lạnh người. Còn ăn cay vào buổi sáng sẽ khiến cho bạn nóng giận bốc lửa mất kiểm soát trước những chuyện cỏn con.
Nhưng mỗi người chỉ thích ăn một số vị nhất định, hoặc ăn bất cứ thứ gì vào bất cứ lúc nào, dẫn tới cơ thể bị mất cân bằng. Đó cũng là một phần nguyên nhân gây ra bệnh tật.
Hồi xưa khi tui đi rừng, mấy ngày trong rừng chả thấy có cái gì có thể ăn được. Không chua thì đắng, chát hay cay ngứa. Tới khi ra khỏi rừng, tới làng của con người, lập tức thấy đồ ăn: trái cây, lương thực đủ thứ đáng thèm thuồng. Nên rõ ràng là con người đã tách biệt khá xa khỏi con vật ngay từ khi họ biết sản xuất. Càng xa rời thiên nhiên họ càng nghiêng về các vị ngọt, béo và mặn hơn, những vị giúp ích cho não suy nghĩ. Trong khi các dân tộc ít người, phần nhiều gần gũi với thiên nhiên hơn thì luôn ăn đủ các vị. Rõ ràng là người đồng bào họ khỏe hơn, ít suy nghĩ phức tạp hơn, không chỉ vì họ sống gần rừng, mà do họ ăn đa dạng, đủ các vị.
Chương 5: Ăn trong chánh niệm.
Không cần phải tu thiền đâu xa, ngay trong bữa ăn thôi, nếu chỉ ăn mà không nói chuyện, không xem điện thoại ti vi sách báo… thì bữa ăn đã có mức dinh dưỡng khác đi nhiều. Nhưng đồ ăn ngày nay không có mùi vị của thiên nhiên nữa, chúng là sản phẩm của hóa học, nên việc ăn trong chánh niệm trở nên rất là khó khăn. Thức ăn từ thiên nhiên có hàng ngàn chất khác nhau có thể kể cho đầu lưỡi của bạn rất nhiều câu chuyện hay, nhưng thức ăn hóa học thì chỉ có thể kể cho bạn nghe vài câu chuyện dở dở ương ương, vì thế bạn khó mà ăn trong chánh niệm. Để cho bạn dễ ăn những đồ ăn nuôi trồng từ hóa học hơn, người ta dùng bột ngọt. Bột ngọt đem lại cho bạn cảm giác ngon, nhưng lại không thể kể cho bạn bất cứ điều gì.
Nếu bạn có thể ăn và lặng lẽ quan sát qua đầu lưỡi những câu chuyện của thức ăn, thì bột ngọt giống như tung hỏa mù bạn không thể cảm nhận hay quan sát được gì, nó chỉ bảo ngon, và bạn bảo dạ đúng, ngon. Bột ngọt phản ánh sự thiếu chánh niệm trong việc ăn của con người, nhưng nó cần thiết cho xã hội hiện đại khi mà thức ăn trở nên dở ẹt nếu thiếu nó. Bột ngọt là một trong những lý do mà người ta trở nên vô cảm và không còn biết quan sát nhìn nhận cuộc sống.
Ăn trong chánh niệm cũng có nghĩa là lắng nghe cơ thể. Nếu ăn mà thấy đồ ăn lạt lẽo dở ẹt, thì là cơ thể báo cho bạn biết món đó chả có dinh dưỡng gì, ăn vô lỗ, tốn công tiêu hóa. Sau khi ăn sạch một thời gian, không những miệng tui có khả năng phát hiện ra đồ ăn ít dinh dưỡng, mà nó còn có thể phát hiện ra thuốc bảo vệ thực vật trong thức ăn. Khi tui ăn những thứ đó, có cái gì đó như báo với tui là: có cái gì rờn rợn, nguy hiểm ở đây, nếu mày ăn nữa, nó sẽ giết mày.
Nhưng làm sao bạn có thể lắng nghe cơ thể bạn, nếu nó không biết báo động? Nhiều người khi nghe tui nói là tui nhạy đồ ăn độc hại lắm nên ra ngoài không dám ăn. Họ cười nói là tui nên tập cho cơ thể nó quen đi, tập tiếp xúc với độc để nó có khả năng trị độc, ứng phó với độc… thiệt không biết nói sao với kiểu người ếch ngồi đáy giếng như vầy… Họ đã quen ăn bột ngọt, ăn đồ lung tung bậy bạ, nên cơ thể của họ đã không còn có thể báo động cho họ nữa. Họ còn khỏe mạnh, chẳng qua là lúc nhỏ họ được sống, được ăn thanh sạch nên hệ tiêu hóa họ khỏe, cơ thể họ vẫn còn sinh lực để giúp họ chống đỡ. Nhưng họ đang xài phí nó thôi, nhiều người cũng đang phát bệnh đầy ra kìa. Truỵ tim đột ngột, tiểu đường đột ngột, ung thư đột ngột. Chết mà không hiểu tại sao chết.
Còn tui, tui không có dư sinh lực đâu mà xài phí. Cơ thể của tui, nhất là hệ tiêu hóa, nó đã nát bươm rồi. Đồ ăn độc hại, tui đã ăn hơn 20 năm rồi cần phải học thêm sao. Cách họ nhìn cơ thể của họ như một vật thể ngu ngốc cần được trui rèn, cũng giống như cách họ nhìn mọi người khác xung quanh họ đều là ngu ngốc cần được họ dạy dỗ. Cơ thể là một bộ máy diệu kỳ, nó không cần bạn dạy đâu. Đúng là nó cần tiếp xúc nhiều mới có kinh nghiệm đề kháng, nhưng để tiếp xúc mà không bị tiêu diệt, nó cần có nền móng sinh lực vững chắc đã. Còn việc bạn ăn bột ngọt và thuốc trừ sâu ngày 3 bữa sẽ dạy được gì mới cho hệ tiêu hóa ngoài việc phá hủy nó?
Ở chương trước tui có nói về bát vị, mỗi vị khác nhau nên ăn vào lúc nào đó trong ngày. Thực ra điều này bạn không cần phải học, nếu cơ thể bạn đủ tự nhiên, nó sẽ báo cho bạn biết nó cần gì vào lúc nào. Nếu bạn ăn sai vị so với thời điểm trong ngày, cơ thể của bạn tự thấy kỳ cục và không thích ăn nữa. Đương nhiên bạn không thể có một cơ thể tuyệt vời như vậy nếu bạn sống trong thế giới hóa học, ăn bột ngọt và ra rả câu: “tiếp xúc độc đi cho cơ thể nó tập làm quen…”
Chương 6: Động và tĩnh.
Ngày xưa tui học là cholesterol từ mỡ và nội quan động vật là có hại, nhưng sau này lại có thông tin cholesterol thật ra không hại mà có lợi. Sau một thời gian dài tới tận gần đây tui tin cholesterol tốt, giờ tui lại nhận ra nó tốt hay xấu là… tùy mỗi người. Tui nhận ra cholesterol là một thức ăn thiên về “động”, nó phù hợp với những người mỗi ngày đều có hoạt động HIIT (high intensity interval training), tức là như thợ săn, lâu lâu phải bùng phát lên chạy hết ga một phát để đuổi theo con vật. Thợ săn đương nhiên ăn thịt thú nhiều hơn, họ “động” nhiều hơn là người trồng trọt hái lượm. Đối với họ cholesterol là tốt. Nhưng với những người trồng lúa và hái lượm nhẹ nhàng chả bao giờ chạy nhảy leo trèo, thì cholesterol đương nhiên là có hại. (lưu ý là tui đang nói cholesterol trong thú vật tự nhiên, chứ không phải cholesterol của vật nuôi nhốt công nghiệp).
Động và tĩnh còn nằm ở các cơ quan. Như bao tử là cơ quan động, ruột lại là cơ quan tĩnh. Việc nhịn ăn lâu ngày sẽ hại bao tử, vì bao tử cần làm việc ít nhất 1 lần mỗi ngày. Rõ ràng là ăn xong bạn đi bộ nhẹ sẽ tốt cho bao tử hơn là nằm yên, vì bao tử là cơ quan động. Còn ruột, trái lại là cơ quan tĩnh, thì việc nhịn ăn ít nhất nửa ngày sẽ rất tốt cho ruột. (Ông Phật khôn vl)
Còn vài chương nữa, nhưng tui chưa khám phá ra nên viết tóm tắt tui cũng chưa viết nổi. Khi nào tui khám phá ra hết, tui sẽ viết thêm tóm tắt ra cho các bạn nhen. Ờ mà tui cũng chả biết sẽ nói cho bạn nghe khi nào, vì tui không định viết ra fb miễn phí, cũng không định viết ra sách người ta đọc sẽ cười rằng không có căn cứ hay nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu khoa học cái L
