Hai lý do mà nhiều người chọn nhịn ăn là giảm cân và cải thiện sự minh mẫn. Và để thực hiện điều đó, cơ thể cần đi vào trạng thái ‘tự thực’ – cơ chế thải độc tự nhiên của cơ thể. Trong bài viết này, ta sẽ cùng tìm hiểu xem autophagy (tự thực) là gì và cách dể tận dụng tối đa hiệu quả của nó trong cuộc sống hàng ngày nhé!
Ohsumi Yoshinori là ai?

Ohsumi Yoshinori, sinh ngày 9 tháng 2 năm 1945), là một nhà sinh học tế bào chuyên ngành tự thực (autophagy) người Nhật. Ohsumi là một giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo. Ông đã nhận giải thưởng Kyoto về Khoa học cơ bản năm 2012.
Nhịn ăn gián đoạn (Intermittent fasting) là một phương pháp phổ biến trong giới ăn kiêng và detox. Nó tận dụng cơ chế Autophagy (tự thực tế bào) có sẵn để hồi phục và tái tạo cơ thể. Cơ chế này được khám phá bởi giáo sư người Nhật Ohsumi Yoshinori và đã giúp ông đạt giải Nobel y học năm 2016.
Autophagy (Tự thực tế bào) là gì?

Autophagy bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Auto nghĩa là tự, Phagy nghĩa là ăn (thực). Do đó Autophagy có nghĩa là tự thực.
Trong cơ thể chúng ta và các sinh vật sống khác có tồn tại những tế bào Macrophage (Đại thực bào) – những tế bào bạch cầu có nhiệm vụ ăn những tế bào lão hoá hay dị vật, vi khuẩn xâm nhập từ môi trường ngoài. Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Ohsumi Yoshinori đã chỉ ra rằng từng tế bào nhỏ trong hàng chục nghìn tỷ tế bào trên cơ thể con người cũng tồn tại một hệ thống tái chế giúp loại bỏ những chất đạm xấu và cũ, tập hợp chúng lại rồi phân hủy chúng tạo nên axit amin làm nguyên liệu để sản sinh ra chất đạm mới. Ông đã phát hiện ra tính năng này của tế bào khi quan sát hoạt động trên từng tế bào sống của nấm men.
Sự tự thực bào gồm có 3 dạng: Macroautophagy, Microautophagy, và Tự thực bào qua trung gian chaperon (Chaperone-mediated Autophagy). Trong đó, Macroautophagy là cơ chế lớn và quan trọng nhất, nên chúng ta sẽ tìm hiểu về nó nhé!
Cơ chế tự thực diễn ra thế nào?
Trong mỗi tế bào là các bào quan, tựa như các cơ quan trong cơ thể. Nhiệm vụ của cơ chế tự thực là loại bỏ tất cả các tế bào đã suy thoái (bào quan, các protein và màng tế bào) hay thừa thãi (như mỡ) khi chúng trở nên vô dụng hoặc không còn tác dụng sức khoẻ. Đây là một quy trình có quy định và trật tự nhằm đào thải và tái tạo các thành phần của tế bào.
Khi Autophagy được kích hoạt, tế bào sẽ hình thành nên một lớp màng cách ly được gọi là một phagophore. Phagophore sẽ co giãn và nới rộng ra để tạo thành một tấm lưới bao quanh các phần tử cần loại bỏ trong tế bào. Sự dung hợp của hai đầu của phagophore, dẫn đến sự hình thành autophagosome (thể tự thực bào) trưởng thành.
Sau khi cô lập các phần tử này, lớp màng sẽ vận chuyển chúng đến các lysosome (tiêu thể). Sự dung hợp của autophagosome với lysosome để tạo thành một autophagolysosome. Tiêu thể là bào quan duy nhất chứa các enzyme phân huỷ. Các enzyme này được giải phóng để phân huỷ chúng thành các thành phần nhất định như axit amin và axit béo. Phần tử axit amin và axit béo rất bé nên nó sẽ chui ra ngoài màng bọc và được tái sử dụng dùng làm dinh dưỡng để sản sinh ra những chất đạm mới giúp tái tạo tế bào.

Ta có thể ví Autophagy như là một chiếc thùng rác tái chế trong căn nhà của mình. Thùng rác này sẽ nhận vào các chất rác thải và cho ra các vật liệu thô như gỗ, đinh ốc để xây dựng các căn phòng khác như nhà bếp mới, phòng tắm mới trong căn nhà.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tự thực là áp lực tế bào. Áp lực này có thể được gây ra khi cơ thể bị thiếu dưỡng chất (như khi nhịn ăn, tập thể dục…). Khi đó, cơ thể cần những nguyên liệu thô để thực hiện trao đổi chất tạo năng lượng.
Cơ thể ta vô cùng thông minh. Nó luôn tìm cách để cân bằng sinh lý hoá trong cơ thể, gọi là sự cân bằng nội môi. Điều này thể hiện trong cơ chế phân huỷ các tế bào, bào quan cũ hoạt động thiếu năng suất để tái tạo các tế bào mới làm việc tốt hơn.
Tổng kết
🌱 Trên đây là một số khái niệm cơ bản về Autophagy mà tớ đã tổng hợp và phiên dịch từ nhiều nguồn khác nhau. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số lợi ích và ứng dụng của cơ chế tự thực nhé! Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về khoa học phía sau Autophagy thì bạn có thể tham khảo ở đây🌱