Aphantasia đã được biết đến từ thế kỷ 19, nhưng chỉ thu hút sự chú ý đáng kể của khoa học trong những năm gần đây. Đây là một rối loạn tâm lý hiếm gặp, ảnh hưởng khoảng 2-5% dân số thế giới. Những người bị hội chứng này sẽ không có khả năng tưởng tượng, xây dựng nên bất kỳ hình ảnh nào trong tâm trí (Mackisack, 2021).
Vậy Aphantasia là gì? Những ảnh hưởng, tác động của nó đến các quá trình nhận thức khác ra sao? Để giải đáp cho những câu hỏi này, ta hãy cùng bắt đầu tìm hiểu từ khái niệm “visual imagery” (tạm dịch: trí tưởng tượng hình ảnh) nhé!
Visual imagery
Trí tưởng tượng hình ảnh không chỉ là khả năng tái hiện hình ảnh của sự vật, sự việc từ trong trí nhớ dài hạn (long-term memory), mà còn là khả năng xây dựng nên những hình ảnh giả tưởng (Cherry, 2023). Khi đó, những ký ức trong quá khứ sẽ tác động đến cách tâm trí xây dựng những hình ảnh này. Ví dụ như khi nghĩ đến thảm bay trong phim Aladdin, ta sẽ nghĩ đến 1 người đang ngồi trên một tấm thảm, tạo thành vật thể thảm bay trong cổ tích. Hay khi ta tưởng tượng đến con kỳ lân sẽ là hình ảnh ghép giữa ngựa + sừng. Cụm từ “trí tưởng tượng phong phú” là để chỉ những người có trí tưởng tượng sắc nét, rõ ràng, bạn có thể nghĩ đến như khi chỉnh video trên YouTube lên chất lượng 4K chẳng hạn. Cũng tương tự như độ phân giải trên video, trên thực tế, độ sống động của trí tưởng tượng nằm trên một phổ rộng với nhiều cấp độ khác nhau (xem hình bên dưới), và Aphantasia chỉ là một cực trên phổ đó (ảnh 1).
Minh hoạ phổ tưởng tượng hình ảnh trong tâm trí (Ebeyer, 2023)
Trí tưởng tượng hình ảnh có vai trò quan trọng trong các quá trình nhận thức não bộ như: trí nhớ tình tiết (episodic memory-trí nhớ về các sự kiện, trải nghiệm trong đời sống hàng ngày), dự đoán tương lai, trí nhớ hình ảnh ngắn hạn và giấc mơ (Dawes et al., 2020). Từ thông tin này, ta có thể tự hỏi rằng liệu những người bị Aphantasia có xuất hiện bất kỳ khiếm khuyết tâm lý nào không?
Nguyên nhân gây ra Aphantasia
Có 2 nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng Aphantasia (Cleveland Clinic, n.d.):
- Aphantasia Bẩm sinh: Đa phần những người bị Aphantasia bẩm sinh có thể sẽ không ý thức được là việc thiếu khả năng tái tạo hình ảnh trong tâm trí là hiếm gặp. Chứng Aphantasia bẩm sinh có thể là do di truyền, với khả năng cao người mắc phải có một thành viên thân thiết trong gia đình cũng bị chứng bệnh này.
- Aphantasia mắc phải sau này: Có thể xảy ra sau khi bị chấn thương, bệnh tật về thể chất hoặc tâm lý như:
- Chấn thương đầu (chẳng hạn như chấn động hoặc chấn thương sọ não).
- Đột quỵ.
- Sử dụng thuốc.
Aphantasia và các quá trình nhận thức khác
Theo nghiên cứu bởi Alexei J. Dawes và đồng nghiệp, năng lực tưởng tượng ở các giác quan khác ngoài thị giác của người bị Aphantasia trung bình cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chỉ 26.22% trong số đối tượng nghiên cứu là hoàn toàn không có khả năng này. Người bị Aphantasia gợi nhớ ít hơn và kém chi tiết hơn các ký ức trong quá khứ và hầu như không thể tưởng tượng ra các tình huống tương lai giả định. Một người mắc Aphantasia có thể nhớ ngày họ kết hôn, tên của những người tham dự và thậm chí cả thời tiết ngày hôm đó như thế nào, nhưng họ sẽ không thể tái tạo hình ảnh về sự kiện đó trong đầu. Họ thường mơ ít hơn và nội dung giấc mơ nhìn chung thiếu các thông tin về giác quan. Ví dụ như nếu họ mơ về việc trò chuyện cùng người khác, thì họ không thể hoặc ít thấy hình ảnh của người họ trò chuyện cùng và không thể nghe thấy tiếng nói người kia. Tuy nhiên, một điều thú vị là những người này lại sở hữu tần suất suy nghĩ trong giấc ngủ cao hơn hẳn người bình thường!
Minh hoạ cho trí tưởng tượng ở người bình thường so với người bị Aphantasia
Tuy vậy, những người mắc Aphantasia hầu như không xuất hiện các khiếm khuyết về mặt nhận thức nào khác. Nghiên cứu cho thấy các giác quan, trí nhớ, khả năng ngôn ngữ của họ vẫn hoạt động bình thường cũng như khả năng tưởng tượng và ước tính khoảng cách trong không gian. Với nhiều người, việc không thể hình dung ra hình ảnh trong đầu không gây cản trở đến sinh hoạt đời thường của họ, kể cả trong các lựa chọn về nghề nghiệp (Dawes et al., 2020; Simon, 2023).
Người hoạ sĩ bị Aphantasia bẩm sinh
Ông Glen Keane, một hoạ sĩ từng thắng giải Oscar cho phim hoạt hình Nàng tiên cá (1989) là một người bị Aphantasia bẩm sinh. Ông được Ed Catmull, cựu chủ tịch của Pixar và Disney Studios là: “một trong những họa sĩ hoạt hình vẽ tay giỏi nhất lịch sử”. Ông chia sẻ rằng khi sáng tạo nên Ariel, trong đầu ông là một khoảng trắng bởi không có trí tưởng tượng hình ảnh nào đã diễn ra trong đầu ông. Nàng tiên cá Ariel thực ra được ông tạo nên bằng cách kết hợp các “thông tin” về con người và loài cá, sau đó kỹ năng tái hiện trên giấy được tôi luyện qua hàng chục năm của ông sẽ biến các “thông tin” này thành hình ảnh thực (Mackisack, 2021).
Ông Glen Keane (McNary, 2018)
Một điểm quan trọng là ở những hoạ sĩ bị Aphantasia, họ không cần tưởng tượng để vẽ. Việc vẽ mà không cần tưởng tượng có thể thực điện được liên quan đến sự khác biệt trong tính chất của việc tưởng tượng (diễn ra hoàn toàn trong tâm trí) so với vẽ (hành động bên ngoài, diễn ra trước mắt người hoạ sĩ). Bức tranh được hoàn thiện thông qua việc liên tục nâng cấp và hoàn thiện bản vẽ phác thảo. Mỗi thay đổi vật lý trên trang giấy sẽ gợi ý cho những thay đổi tiếp theo, tạo thành một vòng lặp phản hồi. Thay vì tưởng tượng một hình ảnh sẵn có và phác hoạ nên chúng.
Nhiều hoạ sĩ Aphantasia đã nhấn mạnh khía cạnh này trong quá trình sáng tạo của họ: họ cần phải ít nhất “đặt bút xuống vẽ” trên giấy hoặc canvas, hoặc thậm chí bắt đầu bằng một hình ảnh có sẵn, sau đó dần dần thêm bớt các nét cho đến khi đạt được hình ảnh mà họ mong muốn (Mackisack, 2021).
Kết luận
Aphantasia là một lĩnh vực mới mẻ mà các nhà khoa học vẫn cần nhiều nỗ lực để khai phá. Nhìn chung, nếu so sánh não bộ của người bị Aphantasia và người bình thường, sự khác biệt gần như là không đáng kể. Phát hiện gần đây về phổ tưởng tượng hình ảnh trong tâm trí (Ebeyer, 2023) cũng ủng hộ giả thuyết rằng: Aphantasia có thể không phải là một căn bệnh mà chỉ đơn thuần là một phân loại trong hệ nhận thức của con người.
…
Nguồn
- Cherry, K. (2023, July 24). Aphantasia: When You Are Blind in Your Mind. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/aphantasia-overview-4178710
- Cleveland Clinic. (n.d.). Aphantasia. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/25222-aphantasia
- Dawes, A. J., Keogh, R., Andrillon, T., & Pearson, J. (2020, June 22). A cognitive profile of multi-sensory imagery, memory and dreaming in aphantasia. Scientific Reports, 10(1). https://doi.org/10.1038/s41598-020-65705-7
- Ebeyer, T. (2023, November 20). Think Of A Horse: Describing Aphantasia. Aphantasia Network. https://aphantasia.com/article/strategies/think-of-a-horse/
- Mackisack, M. (2021). The unusual creative process of the artist behind ‘The Little Mermaid’ and ‘Beauty and the Beast’. Fastcompany. https://www.fastcompany.com/90649913/the-unusual-creative-process-of-the-artist-behind-the-little-mermaid-and-beauty-and-the-beast
- McNary, D. (2018, February 7). Variety. Variety. https://variety.com/2018/film/awards/glen-keane-direct-animated-movie-over-the-moon-1202689347/
- Simon, M. (2023, September 9). Unlocking Aphantasia – The Mysterious Spectrum of Mind’s Visualization. Neuroscience News. https://neurosciencenews.com/aphantasia-visual-ptsd-23901/