Trong vòng 60 năm trở lại đây, những nghiên cứu y khoa đã mở ra một số manh mối hấp dẫn về ảnh hưởng của chế độ ăn (hay chế độ ăn của cha mẹ người bệnh) lên bệnh eczema. Mặc dù vẫn chưa giải thích được một số khía cạnh về căn bệnh này và sức khỏe di truyền nhưng bài viết này sẽ đưa ra một số nghiên cứu khoa học về tác động của chế độ ăn lên các gen có liên quan đến sự xuất hiện của eczema và quan trọng hơn hết là những ứng dụng đối với kiến thức này.
Khuyết tật di truyền
Bệnh chàm không lây, nên bạn không thể nhiễm nó bằng tiếp xúc qua da, tuy nhiên, khả năng cao là bạn mắc bệnh do di truyền từ cha mẹ mình. Nếu cha hoặc mẹ bạn bị bệnh này, bạn sẽ có 20% nguy cơ mắc bệnh tương tự. Nhưng nếu cả cha và mẹ đều mang trong mình một trong các bệnh chàm, sốt cỏ khô hay hen suyễn, con số này sẽ nhảy lên tận 50% đến 80%.
Theo nghiên cứu, có bốn đến năm gen chính quy định cho bệnh chàm; một số tác động đến hệ miễn dịch trong khi số còn lại làm suy yếu hàng rào bảo vệ da. Ví dụ, toàn bộ các gen đều đi theo cặp và ở một số người mắc bệnh eczema, người ta đã phát hiện ra trong hệ gen của họ có thể có một hoặc hai bản sao khiếm khuyết của gen filaggrin (loại protein liên kết các sợi keratin trong tế bào biểu mô ở mô người). Khoảng 10% dân số nước Anh có một bản sao khiếm khuyết của gen này, khiến da họ bị khô và bong tróc.
Yếu tố di truyền và chế độ ăn
Chế độ ăn của bạn ảnh hưởng lên sức khoẻ di truyền theo nhiều mặt khác nhau. Trong Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, Giáo sư Loren Cordain và các đồng nghiệp của bà cho rằng, chế độ ăn uống của chúng ta chỉ mới bắt đầu thay đổi với sự ra đời của nông nghiệp và chăn nuôi cách đây khoảng mười nghìn năm; và khoảng thời gian này là quá ngắn để hệ gen của con người thích nghi với những thay đổi ấy. Chế độ ăn hiện đại tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm:
1. Lượng đường huyết (glycaemic) tăng lên:
Thực phẩm đã qua chế biến thường có chỉ số đường huyết (GI) cao hơn, làm tăng nồng độ đường huyết và insulin.
2. Chúng ta tiêu thụ sai tỷ lệ chất béo:
Chế độ ăn của chúng ta ít omega-3 và nhiều chất béo bão hòa. Dầu thực vật đã qua chế biến và bơ thực vật gây ra việc tiêu thụ quá nhiều omega-6. Chúng ta có ít các dinh dưỡng vi lượng[1] hơn trong chế độ ăn uống của mình. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa đường và bột mì trắng, ít vitamin và khoáng chất. Chỉ một chất dinh dưỡng bị thiếu đi là đã có thể gây ra các khuyết tật di truyền dẫn đến sự xuất hiện của bệnh chàm.
3. Tỉ lệ axit-kiềm không còn cân bằng:
Chế độ ăn phương Tây có thể gây ra tình trạng nhiễm toan chuyển hóa mức độ thấp[2], càng trầm trọng hơn khi tuổi lớn dần.
4. Tỷ lệ natri-kali không còn cân bằng:
Lượng muối ta ăn vào tăng 400%, trong khi lượng tiêu thụ trái cây và rau quả giàu kali giảm mạnh.
5. Hàm lượng chất xơ giảm:
Đường tinh luyện, dầu thực vật, rượu và các sản phẩm từ sữa không hề chứa chất xơ; ngũ cốc tinh chế chứa ít chất xơ hơn ngũ cốc nguyên hạt rất nhiều.
Trong vòng 200 năm trở lại đây, những xưởng sản xuất thực phẩm đã đưa vào cộng đồng vô số các thực phẩm siêu chế biến chứa đầy màu thực phẩm, chất bảo quản, chất tạo ngọt và chất điều vị. Cấu tạo sinh học của ta không có đủ thời gian để làm quen với các chế phẩm nhân tạo này.
Theo Mạng lưới Thực phẩm Không dung nạp (Food Intolerance Network) của Úc, vào năm 2009, Úc có 1154 sản phẩm thực phẩm có chứa chất phụ gia tạo màu không an toàn; ở Anh có hơn 1000 các sản phẩm tương tự. Những chất này có khả năng làm trầm trọng thêm bệnh chàm và gây ra một loạt các tác dụng phụ. Các nghiên cứu về dân cư cũng chỉ ra rằng mụn trứng cá và bệnh chàm rất hiếm gặp trong những khu vực với nền văn hóa truyền thống, nơi mà thực phẩm chế biến không được tiêu thụ thường xuyên trong chế độ ăn uống.
Gen có thể thay đổi nhờ vào chế độ ăn
Như đã đề cập ở phần giới thiệu, các nhà nghiên cứu Mĩ cho rằng thói quen ăn uống của ta là yếu tố môi trường cốt lõi giúp chi phối biểu hiện gen trong cuộc đời của mỗi người. Theo các nghiên cứu Đức, các axit béo thiết yếu trong chế độ ăn có thể thay đổi biểu hiện gen, chức năng của tế bào T (lympho T)[3], tính lưu động của màng tế bào và tín hiệu tế bào.
Trong các nghiên cứu thực nghiệm, các carotenoid[4] trong thực phẩm giúp điều chỉnh hoạt động gen để bảo vệ chống lại chứng viêm nhiễm và sự phát triển của khối u. Và một trong những nghiên cứu quy mô nhất về tương tác giữa gen – chế độ ăn từng được thực hiện, bao gồm việc phân tích hơn 27,000 người từ năm chủng tộc (Châu Âu, Nam Á, Trung Quốc, Mĩ Latinh và Ả Rập), một lần nữa khẳng định lại các ảnh hưởng của thói quen ăn uống lên sức khoẻ di truyền
Những báo cáo từ các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, một chế độ ăn lành mạnh giàu rau và trái cây tươi sống đã góp phần thay đổi các biến dị di truyền nằm trên nhiễm sắc thể 9p21 – một dấu hiệu của bệnh tim. Một chế độ ăn tốt đã làm suy yếu đáng kể tác động của gen gây hại này.
Chú thích
- [1]: Chất dinh dưỡng vi lượng – là các chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ (khoảng dưới 100 mg mỗi ngày) để hoàn thiện các chức năng sinh lý học và duy trì sức khỏe, nếu thiếu sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- [2]: Nhiễm toan (hay còn gọi là nhiễm độc axit) – là tình trạng nồng độ axit trong các dịch cơ thể vượt mức bình thường, xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng pH của cơ thể.
- [3]: Tế bào Lympho T được tạo ra ở tủy xương và lưu hành trong máu, mô bạch huyết. Các tế bào này phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại các sinh vật lạ như vi khuẩn, virus và tế bào ung thư.
- [4]: Carotenoid – là một dạng sắc tố hữu cơ có tự nhiên trong thực vật và các loài sinh vật quang hợp khác như là tảo, một vài loài nấm và một vài loài vi khuẩn.
🌱 Dịch từ Eczema Diet bởi Karen Fischer 🌱