*ở đây đề cập đến hoá chất trong thực phẩm
Nhạy cảm với hoá chất (chemical sensitivity) là một loại phản ứng bất lợi của cơ thể, diễn ra trong vòng từ 3 giờ cho đến vài ngày sau khi tiếp xúc với hoá chất gây phản ứng. Làm sao để xác định liệu chúng ta có nhạy cảm với hoá chất hay không?
Triệu chứng
Triệu chứng rất đa dạng từ nhẹ cho đến nghiêm trọng, phụ thuộc vào cơ địa từng người. Một số triệu chứng có thể kể đến như: phát ban, đau nửa đầu, đau đầu, trầm cảm, cáu kỉnh, thiếu tập trung, hiếu động thái quá, có các triệu chứng tương tự với bệnh cúm và bệnh chàm trở nặng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nhạy cảm với một số chất có thể gây ra các cảm xúc tiêu cực như tức giận, hung hăng, suy nghĩ về tự tử và đau đớn về thể xác.
Chế độ ăn uống của bạn đóng một phần quan trọng trong việc xuất hiện nhạy cảm với hoá chất. Tuy nhiên, trước hết ta hãy cùng xem qua một số các hoá chất có thể là tác nhân gây hại, bao gồm các chất tự nhiên như salicylate và các chất nhân tạo như chất bảo quản, chất tạo màu và chất điều vị.
Salicylat
Salicylat là hóa chất được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, rau quả, thảo mộc, các loại hạt, trà, cà phê, rượu bia và gia vị. Salicylat cũng có trong nhiều loại kem dưỡng da và nước hoa.
Theo nghiên cứu bởi Loblay và Swain từ Đơn vị Dị ứng trực thuộc Bệnh viện RPA ở Sydney, Úc,
nhạy cảm với salicylat là loại nhạy cảm với hóa chất phổ biến nhất ở những người bị chàm và việc ăn các thực phẩm giàu salicylat có thể khiến bệnh chàm trầm trọng hơn. Dung nạp liều cao salicylat (đặc biệt khi dùng aspirin có chứa salicylat) có thể gây tổn thương tạm thời cho niêm mạc dạ dày, đặc biệt là ở trẻ em và những người nhạy cảm.
Salicylat thường được xem là kẻ thù tồi tệ nhất cho người mắc bệnh chàm, vậy liệu ta có bắt buộc phải hoàn toàn tránh tiêu thụ nó không? Có lẽ là không. Salicylat thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhất như các loại rau lá xanh đậm và quả việt quất, vì vậy bạn sẽ muốn làm những gì có thể để ngăn ngừa hoặc giảm độ nhạy cảm với salicylat.
Bí quyết nằm ở chỗ: gan của bạn được thiết kế để giải độc salicylat và các hóa chất khác để chúng có thể được loại bỏ khỏi cơ thể một cách an toàn. Để hỗ trợ cho điều này xảy ra, chế độ ăn uống của bạn (hoặc chế độ ăn uống của các mẹ nếu em bé bị chàm đang bú sữa mẹ) cần cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng mà gan cần để giải độc salicylat. Những chất này bao gồm glycine[1], vitamin B6 và magiê.
Mặc dù không quá cần thiết, bạn có thể kiểm tra khả năng xử lý salicylat của gan bằng cách sử dụng bộ dụng cụ kiểm tra chức năng gan tại nhà (dùng aspirin để kiểm tra, vì vậy nếu bạn bị dị ứng với aspirin thì không nên làm xét nghiệm này).
khuyến nghị
• Người bệnh chỉ nên sử dụng các thực phẩm chức năng là magiê glycinate[2] và vitamin B6 với liều lượng vừa đủ.
• Giảm phần lớn lượng salicylat dung nạp vào cơ thể (tuy nhiên một số thực phẩm lành mạnh chứa salicylate lại rất cần thiết trong chế độ ăn uống, bao gồm cà rốt, khoai lang và củ dền tươi vì chúng cung cấp carotenoid để bảo vệ da).
• Tránh sử dụng aspirin* và các loại gel bôi lợi cho bé mọc răng vì chúng rất giàu salicylat. (*Nếu bạn được kê đơn thuốc aspirin cho bệnh tim thì tiếp tục uống theo chỉ định và bàn bạc với bác sĩ. Không uống glycine khi bạn đang dùng thuốc làm loãng máu như aspirin.)
Nitrat
Nitrat là loại hoá chất dùng trong bảo quản thịt như thịt xông khói, xúc xích và giăm bông. Vào những năm thập niên 1970, người ta đã phát hiên ra rằng trong quá trình nấu thịt có chứa nitrat, chất nitrosamine có hại được hình thành có thể gây ung thư và tổn thương gan.
Chính vì lý do này mà các cơ quan y tế của chính phủ ở Úc khuyến cáo chúng ta không nên ăn thịt nguội/mát[3] (deli meat) hoặc xúc xích. Các nitrosamine gây ung thư có trong khói thuốc lá và trong lưới bọc bảo quản thịt nguội như giăm bông, có thể làm ô nhiễm thịt. Theo nghiên cứu của Loblay và Swain, những người bị chàm nhạy cảm với nitrat và việc tiêu thụ nitrat có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng chàm ở 43% người mắc bệnh.
Chế độ ăn uống của bạn có thể giúp làm giảm tác hại của nitrat. Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chất chống oxy hóa quercetin, vitamin C và vitamin E giúp đẩy lùi tổn thương gan do tiêu thụ nitrat.
khuyến nghị
• Tránh tiêu thụ các loại thịt có chứa nitrat do chúng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và làm trầm trọng bệnh chàm.
• Bảo đảm thực đơn của bạn có chứa chất chống oxy hóa quercetin[4], vitamin C và vitamin E.
Sulfit
Sulfit, hay lưu huỳnh dioxide, là chất bảo quản thực phẩm được dùng trong bảo quản một số món như rượu, thịt nguội, trái cây và rau quả sấy khô. Do sulfit phá huỷ vitamin B1 và axit folic[5] trong thức ăn nên chúng có thể được xem là chất ‘kháng dinh dưỡng’[6].
Trong khi trái cây sấy khô có thể được coi là một món ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ em, thực tế là một quả mơ khô có thể chứa đến 16mg lưu huỳnh dioxide. Nó có thể làm nặng thêm các triệu chứng chàm ở những người nhạy cảm và/hoặc gây ra hàng loạt các phản ứng có hại như tiêu chảy, thiếu tập trung, tăng động, xì hơi có mùi và có thể làm bùng phát các cơn hen suyễn.
Nếu bạn đã từng bị đỏ bừng mặt sau khi uống một ly rượu vang đỏ hoặc ăn giấm, bạn có thể bị nhạy cảm với sulfit và những người có độ nhạy cảm cao có thể phản ứng với tỏi và hành tây giàu lưu huỳnh.
Chú thích
- [1]: Glycine – là một axit amin giúp xây dựng protein, cần cho sự phát triển, duy trì mô để tạo ra các chất quan trọng chẳng hạn như hormone và enzyme.
- [2]: Magiê Glycinate – là một loại bổ sung magie. Nó bao gồm các magie khoáng chất liên kết với axit amin glycine. Nó được coi là một trong những loại bổ sung magiê hiệu quả nhất do tính khả dụng sinh học.
- [3]: Thịt nguội/mát (deli meat) – là những loại thịt đã được chế biến sẵn, trải qua các quá trình xử lý và chuẩn bị nhằm thay đổi hình thức, kết cấu hay mùi vị.
- [4]: Quercetin – là một sắc tố thực vật (flavonoid) được sử dụng làm thuốc. Quercetin cũng được sử dụng để tăng sức chịu đựng và cải thiện hoạt động thể thao.
- [5]: Axit folic – Vitamin B9
- [6]: Chất kháng dinh dưỡng (anti-nutrient) – là các hợp chất tự nhiên hoặc tổng hợp được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm (đặc biệt là ngũ cốc, đậu, đỗ và các loại hạt) ảnh hưởng đến việc hấp thụ các vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác.
🌱 Trên đây là một số khái niệm về nhạy cảm hoá chất và các chất có thể gây phản ứng. Ngoài ra còn rất nhiều các hoá chất thực phẩm khác tớ sẽ để dành cho bài viết tiếp theo nhé! 😊 🌱