Da là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể
Tấm khiên này giúp:
- giữ nước trong cơ thể, bảo vệ bạn không chết vì mất nước,
- điều hoà nhiệt độ cơ thể, tránh để các cơ quan nội tạng bị ‘nướng chín’,
- tổng hợp vitamin D, qua đó gián tiếp kiểm soát hơn 200 gen trong cơ thể,
- ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật như mạt bụi[1] hay vi khuẩn.
CẤU TẠO DA
Cấu tạo tầng biểu bì
Các tế bào da mới được hình thành ở dưới cùng của lớp biểu bì (hay còn gọi là lớp đáy) và khi đã sẵn sàng, chúng sẽ di chuyển về phía lớp sừng. Đối với làn da bình thường, khỏe mạnh, chuyến đi này mất khoảng bốn tuần.
Một số thuật ngữ
Mẫn cảm (atopic):
chỉ cơ địa dễ bị dị ứng, bao gồm bệnh chàm, hen suyễn và sốt cỏ khô.
Viêm da (dermatitis):
dùng để chỉ các bệnh viêm da nói chung
Eczema:
bắt nguồn từ một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đun sôi”.
Tấm khiên bảo vệ của da
Cách hiệu quả nhất để so sánh sự khác nhau giữa làn da của người khoẻ mạnh và người bị eczema là thông qua mô hình ‘bức tường gạch’ của da. Mô hình này được tạo ra bởi giáo sư Michael Cork cùng đồng nghiệp của ông, Danby và Hunter từ đại học Sheffield tại Anh. Trong biểu đồ, các tế bào da được mô tả như những ‘viên gạch’ được nối với nhau bằng các thanh kim loại (các thanh này là một chất kết dính có tên corneodesmo-somes) cùng với vữa và bê-tông (chính là lipid, hay chất béo).
Sơ đồ 2a
Một lớp sừng khoẻ mạnh thường dày và có tầng ngoài cùng gồm các tế bào da chết, rất khó để nhận thấy khi chúng bong tróc. Quá trình này diễn ra khi các chất kết dính ở bề mặt ngoài đứt đoạn, giải phóng các tế bào không mong muốn ra môi trường.
Sơ đồ 2b
Khi bạn bị chàm, hàng rào bảo vệ da sẽ mỏng hơn bình thường dẫn đến khả năng bảo vệ của nó bị giảm sút. Các chất kết dính giúp giữ các tế bào lại với nhau ở các tầng sâu hơn của da bị đứt gãy quá sớm, gây ra hiện tượng bong tróc da non và xuất hiện vết nứt ở các lipid béo ở khắp các tế bào da.
Sơ đồ 2c
Các chất gây kích ứng (irritants), bao gồm xà phòng và chất tẩy rửa, đẩy nhanh quá trình đứt gãy của chất kết dính, các tế bào da bị phá vỡ sớm và các vết nứt sâu hơn bắt đầu hình thành trên da.
Sơ đồ 2d
Khi hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, các vết nứt tạo điều kiện cho các chất gây dị ứng (allergens), như mạt bụi và vi khuẩn, xâm nhập vào da. Điều này góp phần làm bùng phát bệnh và có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây ra các phản ứng miễn dịch, bao gồm cả các phản ứng dị ứng.
Lớp phủ axit
Ngoại trừ trẻ sơ sinh (với da có độ pH gần như trung tính), một làn da khỏe mạnh có độ pH xấp xỉ 5,5 (axit nhẹ). Đây được gọi là ‘lớp phủ axit’. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy làn da của những người bị chàm có thể do không đủ axit, dẫn đến việc làm hàng rào bảo vệ da yếu đi và không có khả năng tự vệ chống lại vi sinh vật có hại, như mạt bụi và tụ cầu vàng[3].
Lớp phủ axit giúp:
- Bảo vệ da khỏi các vi sinh vật có hại
- Giảm thiểu sự xâm nhập của vi khuẩn và nấm gây bệnh
- Thúc đẩy sự bám dính của lợi khuẩn (không gây bệnh) lên da.
Cách điều trị bệnh chàm trước đây
Trong Tạp chí Y khoa Anh quốc vào năm 1882, một bác sĩ đã mô tả chế độ ăn kiêng đã nhanh chóng chữa khỏi những bệnh nhân mắc bệnh chàm của mình. Ông đã ghi lại một trường hợp đặc biệt “vô vọng” của một cậu bé chín tuổi mắc bệnh từ khi mới 5 tháng tuổi. Đứa trẻ đã tiếp nhận chăm sóc y tế không ngừng nghỉ, ra vào bệnh viện liên tục trong hơn tám năm và không một phương pháp điều trị, kem hoặc thuốc nào cải thiện được bệnh của cậu.
Sau khi nhập viện, bác sĩ đã đưa cậu vào một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với ít chất béo, không sữa và không đường. Toàn bộ mỡ được loại bỏ ra khỏi thịt; bên cạnh đó thịt gia cầm được khuyến khích ăn thay cho thịt lợn. Thực đơn được bổ sung thêm một loại dầu giúp hỗ trợ cung cấp chất béo. Cậu bé được cho ăn nước cốt bò đã lọc bỏ mỡ cẩn thận và cá nướng thay vì chiên. Trong vòng hai tuần, da của cậu đã cải thiện rõ rệt. Sau một tháng, bệnh chàm đã hoàn toàn biến mất và cậu bé được xuất viện.
Chú thích
- [1]: Mạt bụi là một loài bọ cực nhỏ thuộc họ nhện. Chúng sống trong bụi nhà và có thể tồn tại ở khắp mọi nơi. Kích thước rất nhỏ khoảng 1/4 mm, mắt thường con người không thể nhìn thấy được. Loài động vật này phát triển mạnh nhất trong môi trường nóng ẩm. Việc tiếp xúc lâu dài với mạt bụi không chỉ gây dị ứng mà còn có thể dẫn đến viêm xoang và hen suyễn.
- [2]: Thân nhân bậc một hay người có quan hệ huyết thống bậc một (tiếng Anh: first-degree relative, viết tắt: FDR) là những thuật ngữ chỉ đến cha mẹ, con cái hoặc anh em cùng cha cùng mẹ (anh em toàn dòng máu) của một người. Những người có mối quan hệ huyết thống bậc một với nhau thường mang 50% gen tương đồng.
- [3]: Tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời.
🌱 Dịch từ: Healthy Skin Vs Eczema – What’s Gone Wrong?